Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Em và buổi chiều



Em đứng đó, buổi chiều hơi lạnh.
Buổi chiều với những cơn gió thật nhẹ, mơn man làn tóc em, những sợi tóc chấm ngang vai như tuổi xuân đang dừng lại ở đó, như có nỗi chờ đợi vừa ray rứt, vừa ngọt ngào, thoảng đến từ một miền dấu yêu nào ...

Mắt, đôi mắt thật xa xăm, long lanh những kỷ niệm, dường như đang thắp lên niềm đam mê tuyệt vời của ngày tháng, của tuổi thơ, lấp lánh những cỏ, những hoa, những rong chơi trong mộng mị, trong dòng chảy của đá cuội, của cát mịn êm ái một thuở xa xưa trong vũng ký ức .

Em đứng đó, đôi môi hồng lên màu nắng chiều sắp tắt, hơi mím lại như nốt nhạc trầm buồn nào đang khởi lên, âm thầm, xa vắng, ..có chút hờn dỗi thấp thóang như tia chớp sáng lên trong trái tim, bỗng lắng xuống trong mênh mông hoàng hôn .

Nhìn em, tôi như nhìn vào nỗi cô đơn trong tôi, trong những kiếm tìm vừa nồng ấm vừa tuyệt vọng,.Có phải những thao thức của những dòng thơ, những lời hẹn hò không hồi đáp, những câu ca dao trong lời ru của Mẹ, những quay quắt nhớ nhung của tuối trẻ vụng dại,..đang như cánh bướm nhỏ chập chờn đậu trên sợi tóc ấy, trên làn mi cong khép mớ bóng chiều, trên đôi môi thiếu nửa nụ cười ...Con bướm nhỏ trong hồi tưỡng, trong tiếng nói thì thầm, không có một chỗ đế trao gửi, luôn gặp gỡ những nỗi buồn lạ mặt .

Nhìn em, bỗng dưng tôi nghĩ đến những cái nhìn hờ hững, nhừng nỗi trống vắng lạnh lẽo đang đeo bám trong trái tim, bao khát khao đã một thời chảy theo hy vọng, chợt lắng xuống, khô cạn. Tôi thầm hỏi, có phải buổi chiều, hình bóng em là niềm bâng khuâng hôm nay trong tôi .

Cẩm An Sơn

Vì Sao Lạ Lùng : Em

Trong bầu trời trong trẻo của đêm ấy, một đêm rất xa trong trí nhớ, em chợt đến như một vì sao lạ, một vì sao lấp lánh, không rực rỡ mà dịu dàng, không cao xa mà gần gũi, không kiêu sang mà hiền hoà, như một chiều chuộng ngọt ngào anh vẫn đợi chờ từ rất lâu,

Cánh cửa tâm hồn anh cũng vừa mở ra, oà vỡ đón ánh sáng em, ánh sáng chiếu rọi thật sâu vào những ngõ ngách trái tim anh, một trái tim già cỗi lạnh lùng khép kín tưỏng chừng sẽ lặng lẽ đi vào giấc ngủ thiên thu miên viễn, Ánh sáng em, thứ ánh sáng thơm phức mùi khoan dung, mùi giản dị, mùi thơ ngây của hương đồng cỏ nội, có thoang thoảng một chút hương vị của gió nhẹ, của sương đêm, của ánh trăng bàng bạc, thứ ánh sáng lạ lùng ấy đã nhẹ nhàng đốt lên ngọn lửa nhỏ, ngọn lửa vừa đủ ấm để đánh thức trái tim anh .
Và như một hẹn hò từ tiền kiếp, trái tim anh đã sống lại từ những dịu dàng em, trái tim anh đã gõ lại những nhịp đập từ ánh mắt em, như những lời ru của mẹ ngày xưa ru anh vào tuổi thơ, ru anh chập chững vào đời,
Ôi, ánh mắt em sao có long lanh giọt lệ, giọt lệ buồn tủi hay giọt lệ mừng vui trong hạnh ngộ ? giọt lệ đánh thức nỗi bâng khuâng trong tim anh, một chút xót xa nào đó xa lạ hay thân quen, ngập ngừng không bày tỏ .
Với anh, anh đã đi quá nửa đời mình trong lầm lũi kiếm tìm một nương tựa, sự nương tựa hẹp hòi cho lòng ích kỷ một yêu đương tuyệt vời chưa một lần tìm thấy, Có lẽ đời anh sống với quá nhiều mơ ước, những ước mơ mà anh nghĩ nó rất tầm thường, nhưng đã hoài công trên những chặng đường đời dài không có được, đó là sự chân thật, Anh đã yêu, yêu trên đầu môi chót lưỡi, yêu trên những gian dối, lọc lừa, để rồi mang những niềm đau đó giấu kín vào đáy tim, trái tim vô tội dại khờ lặng lẽ trốn vào giấc ngủ, mệt mỏi .
Để bây giờ anh mới bắt gặp một vì sao lạ lùng : Em,



mạc phương đình
02-6-03

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

Cụ Hà và tôi

  Tạp bút của Cẩm An Sơn

Nói về Cụ Hà Thượng Nhân, nhiều bạn bè tôi nơi đây, có thể tưởng tôi quen biết Hà Chưỡng Môn đã lâu rồi, vì thường những lần tham dự những sinh hoạt văn hoá, văn nghệ tại địa phưong San Jose, lúc nào có ông Cụ thì cũng có tôi lè kè theo làm tài xế, hay phải dắt tay, đỡ lưng ông Cụ lúc lên xuống xe, lên xuống lầu, trông giống như bố với con, hay như là bạn vong niên thân thiết. Nhưng thực tế thì lại khác, tôi chỉ mới được quen biết Cụ Hà- cây đại thụ trong làng Thơ mà tôi đã từ lâu ngưỡng mộ - từ hơn mười năm nay, như một cái duyên trong đời, sau khi định cư ở cùng một thành phố với Cụ.

Ngày trước, vào thập niên 60 ở Sài Gòn, tôi cũng tự khoe với mình là người biết viết văn, làm thơ có nhiều bài đăng trên báo. Nhưng vốn là một anh học trò nhà quê, từ đất Tam Kỳ nghèo khó mới bước chân vào mưu sinh nơi thành phố lớn, tôi mang trong lòng chút tự ti, mặc cảm thua kém, nên đối với những nhà văn, nhà báo có tiếng tăm, tôi chỉ ..”kính nhi viễn chi”. Với Hà Chưỡng Môn, người đã chọn đăng trên nhật báo Tự Do mấy bài thơ của tôi, đã có lần tôi “làm gan” ghé đến Toà soạn xin gặp ông, đê được cái hân hạnh nhìn mặt, nói với ông vài lời cám ơn, nhưng rất tiếc lần đó ông không đến toà báo. Cũng khoảng thời gian này, tôi ở chung nhà với anh Tạ Ký – trong khu cư xá Đô Thành - đôi khi anh ấy rủ tôi cùng đi uống rượu với cụ Hà, thường ở những quán bán rượu, bia vùng ngã ba Chợ Đũi. Nhưng tôi vốn đâu có quen uống rượu, nên chưa có dịp nào được gặp cụ Hà. Trong ký ức mơ hồ của một thời Saigòn, tôi chỉ nhớ đến cái tên Hà Thượng Nhân với hàng ngàn bài thơ Đàn ngang cung nổi tiếng., mà các bạn bè trong sở thường đem ra bàn tán hàng ngày trước khi làm việc, thoải mái với những nụ cười từ những dòng thơ châm biếm nhẹ nhàng, về những nhân vật có chức quyền, cùng những thói hư, tật xấu vừa xẩy ra trong chính trường, ngoài xã hội.

Sau cuộc đổi đời, sự may mắn đưa đẩy tôi đến vùng đất mệnh danh là Thung Lũng Hoa Vàng này, để ngày hai buổi lăn lộn với công việc của một công nhân trong nghề lắp ráp linh kiện điện toán, mưu sinh nơi vùng đất mới. Chỉ vài năm, cuộc sống tạm ổn định, được hít thở không khí tự do, hạt máu văn chương, văn nghệ trong tôi đã thức dậy, luân lưu trong trái tim sau gần ba mươi năm ngủ yên, đã thúc đẩy tôi viết văn, làm thơ trở lại. Và nơi đây, trên các tập san, báo chí hàng ngày, hàng tuần tôi lại bắt gặp tên cụ Hà của một thời kính ngưỡng xưa. Hỏi thăm bạn bè mới biết Cụ cũng đã đến định cư tại san José trước tôi vài năm.Chỉ vậy thôi, rồi công việc hàng ngày lại cuốn hút - trong thời kỳ điện toán bùng nổ ào ạt tại Silicon Valley – tôi vào những miệt mài overtime không có được ngày nghỉ ngơi. Nhưng rồi cũng tình cờ vào buổi chiều chủ nhật, một người bạn cùng nơi làm việc, lái xe đến rủ tôi đi dự buổi ra mắt sách của một người làm thơ trẻ chưa quen tên. Lần này, tôi được nhìn thấy cụ Hà Thượng Nhân đứng lên từ hàng ghế đầu của hội trường, lúc ban tổ chức giới thiệu quan khách. Gần cuối chương trình, cụ Hà được mời lên phát biểu. Tay không cầm giấy, tử chiếc micro nhỏ nhắn, tiếng nói của Cụ cất lên, sang sảng. lúc nhanh lúc chậm, dội vào lòng người nghe giữa hội trường im phăng phắc, lưu loát và thuyết phục. Cụ nói đâu khoảng mươi phút rồi chấm dứt với tràng pháo tay vang dội, có lẽ hôm ấy tôi đã vỗ tay sớm hơn và kéo dài lâu hơn, như để chào mừng một người khách quý mà đã bao năm tôi đã ngưỡng mộ, chờ đợi được tiếp đón nhưng hôm nay mới được nhìn thấy, chứ chưa phải được gặp.

Vào những ngày tháng gần cuối của thế kỷ, phong trào in thơ, ra mắt sách dường như theo nhau nở rộ ờ Cali nói chung và tại địa phương San José nói riêng. Tôi cũng nghĩ đến chuyện gom góp những bài thơ cũ, sáng tác thêm những bài thơ mới cho sự hình thành một tập thơ của riêng mình. và thầm ước ao rằng ngày mình tổ chức ra mắt sách sẽ tìm mời cụ Hà Thượng Nhân đến tham dư. Công việc làm của tôi thời gian này cũng tương đối thong thả hơn, tôi mày mò làm quen với computer và bước chân vào thế giới internet. Tôi bắt đầu làm thơ, viết văn bằng cách gõ phím, chứ không còn phài cầm bút viết lên từng trang giấy nữa. Bản thảo tập thơ “Lời Ru Của Mẹ” của tôi, với kỷ thuật tân tiến nó đã được in rõ ràng, sạch sẽ, chứ không giống như như những bản thảo của những văn thi sĩ thế hệ trước. Nhẩn nha đọc lại từng bài, tôi bỗng nãy ra ý định “sao không đem đến xin Cụ Hà Thượng Nhân đọc và sửa chữa cho tập thơ được hoàn chỉnh hơn” ? Nghĩ đi là thế, nhưng nghĩ lại cứ băn khoăn, ngần ngừ không biết ông Cụ có chịu đọc và sửa thơ mình không ?

Thế rồi cũng từ một tình cờ tôi gặp một bạn thơ, anh ta cho tôi biết địa chỉ của cụ Hà. Tôi còn nhớ rõ, hôm ấy vào thứ hai đầu tuần. sau ngày làm việc về đến nhà, tôi gọi phone cho cụ Hà Thượng Nhân. Khi đã nghe tiếng Cụ “ A-lô”, tôi nói liền :
- Thưa bác, em là Ngô, có làm được mấy chục bài thơ, muốn đem đến bác xem, để xin bác vui lòng sửa chửa giúp em những thiếu sót, để hy vọng năm tới em có thể in thành tập để làm kỷ niệm cho bạn bè, cùng để lại cho con cháu sau này..
Giọng cụ Hà mau mắn :
- Được, anh đem đến cho tôi xem, có gì thì tôi góp ý cho anh, chứ sửa thì tôi không sửa đâu, trước nay tôi chưa hề sửa thơ ai bao giờ. Hôm nay tôi rảnh, anh có thể lại chơi..
- Cám ơn Bác, em sẽ đi ngay bây giờ.
Hồi đó, nhà cụ Hà nằm trên đường Cropley, một căn nhà nhỏ nép dưới bóng cây xanh.

Tôi đậu xe trong vuông sân nhỏ với cái cảm tưởng thật xưa, đây là “lều cỏ” của thi bá Hà Thượng Nhân. Cụ Hà mở cửa, nhìn tôi rồi nói với giọng hiếu khách : “Anh vào chơi”. Phòng khách nhỏ, gọn gàng, ấm cúng. Trên bàn xô pha đầy mấy chồng sách và tạp chí. Cụ bảo tôi ngồi và rót trà ra tách. Bộ tách trà Tàu bằng đất nhỏ xíu gợi lại trong tôi hình ảnh các cụ đồ Nho ngày trước. Tôi không muốn làm phiền ông, nên vào đề liền :
- Thưa bác, em đem tập thơ lại đây xin Bác xem giúp, lúc nào rảnh bác đọc cho một vài bài, có thể sang năm em mới in, xin bác vui lòng sửa chửa giúp em những sai sót, vần điệu, niêm luật em còn yếu kém lắm, xin bác đừng ngại.
Vừa nói, vừa trịnh trong bằng hai tay tôi đưa tập thơ cho cụ Hà. cụ cầm lấy chẳng cần nhìn qua, thuận tay gác tập thơ lên cái kệ thấp bên cạnh chỗ cũ ngồi, rồi hỏi :
- Anh là người Quảng Nam hả ?
- Dạ, quê em ở Tam Kỳ, hồi Tổng thống Diệm cắt ra thành Quảng Tín.
- Vậy thì chắc anh biết Vũ Ký, Vũ Hối.., Vũ Ký trước kia là bạn học với tôi ở Hà Nội.

Giọng Cụ trầm ấm, thoáng chút mơ màng về những kỷ niệm cũ. Phần tôi, vốn là người vụng về trong giao tiếp, nên chỉ ngồi nghe ông lan man nói về những nhân vật mà ông quen biết ở đất Quảng như Bùi Giáng, Tạ Ký..
Trời cuối năm, mới khoảng 6 giờ chiều đã muốn tối. Tôi đứng dậy xin phép ra về, ông Cụ cũng đứng lên đưa tôi ra cửa, tôi nhắc lại :
- Tập thơ của em in một mặt giấy, xin bác cứ ghi thẳng vào đó những chỗ cần thay đổi, sửa chửa. Em chưa có điều kiện in tập thơ này trong năm nay, xin bác cứ thư thả xem giúp em, năm bảy tháng sau, lúc nào xong bác gọi em, em có ghi sẵn số phone trong đó,lúc ấy em sẽ đến xin lại. Được bác xem và sửa chửa cho những bài thơ của em là điều rất vinh hạnh, em luôn kính trọng bác là bậc thầy trong văn thơ, xin bác đừng ngại.

Trên đường lái xe về nhà, tôi cứ bâng khuâng suy nghĩ, chắc cũng còn lâu ông già mới dòm đến tập thơ của mình. Tuy nhiên trong lòng cũng thấy vui, vì được cái hân hạnh gặp một thi sĩ mà từ lâu mình đã ngưỡng mộ, nhưng chưa có dịp được ngồi nghe ông lan man câu chuyện một thời vang bóng cũ.

Ngày hôm sau, thứ ba, tôi đi làm về đến nhà khoảng bốn giờ kém. Vừa cởi chiếc áo công nhân màu xanh chưa kịp treo trên móc, thí có tiếng chuông điện thoại reo, tôi cứ thong thả mắc áo xong và tự hỏi ai mà gọi vào giờ này nhỉ - thường anh em bạn bè hoặc người thân gọi nhau vào buổi tối - nhắc chiếc phone lên, tôi nghe cái giọng Bắc trầm ấm của cụ Hà vang trong máy
- Anh mạc phương đình phải không ? Tôi, Hả Thượng Nhân đây. Khá lắm. thơ anh khá lắm - giọng Cụ dồn dập - Tối hôm qua tôi đã đọc hết tập thơ của anh, thơ rất cảm động. Thơ anh viết làm tôi nhớ đến mẹ tôi, và tôi viết mấy câu để tặng anh đây, tôi đọc luôn cho anh nghe nhé,

Và không cần đợi tôi trà lời. giọng cụ Hà tiếp tục vang lên từ đầu dây bên kia :
Cám ơn
“Tôi vốn yêu thơ từ thuở nhỏ
Người cho xem thử mấy lời ru
Lời ru của mẹ qua năm tháng
Dựng lại vầng trăng thuở ấu thơ
Tóc đã bạc rồi, lòng vẫn trẻ
Vẫn buồn như lá buổi tàn thu
Lời ru của mẹ, lời ru ấy
Có rối cùng chăng tóc Nguyễn Du ?
Có những đêm trường thao thức nhớ
Lời ru còn nhớ đến bao giờ ?
Mẹ tôi mới đó không còn nữa
Sao tiếng ru kia lại bất ngờ
Xin cám ơn ai người tuổi trẻ
Nhắc nhau trên những bước bơ vơ
Rằng còn sông núi, còn quê mẹ
Còn khói lam xanh, bóng nguyệt chờ
Còn bến sông Hương hò mái đẩy
Còn tà áo trắng nón nghiêng hờ
Còn con đường cũ lung linh nắng
Còn những bàn tay bát ngát thơ.
Tôi đọc bỗng dưng tôi gấp sách
Hỏi người câu hỏi rất ngu ngơ…

Tối nay gối sách kê đầu ngủ
Tưởng gối tình nhau thuở học trò
Tưởng vẫn thơ mình ngày thuở ấy
Cám ơn trời đất những cơn mơ.
(Hà Thượng Nhân)



Tôi nghe cụ Hà đọc một hơi dài mà tay nắm phone của tôi run lên vì cảm động, dường như giọng của Cụ mềm lại trong những câu thơ cuối. Tiếng Cụ ngưng lại. Tôi chưa kịp nói lời cám ơn thì Cụ tiếp :
- Bây giờ thì anh có thể lên tôi để lấy tập thơ về.
- Dạ, cám ơn Bác, em đi ngay bây giờ.

Suốt buổi chiều hôm đó, cho đến gần tám giờ tối, tôi ngồi nghe Cụ Hà say sưa nói chuyện về thơ cũ, thơ mới, với những kỷ niệm thời Cụ đi học ở Hà Nội, Cụ theo kháng chiến, Cụ quay về vùng Quốc gia, và những văn thi sĩ thân quen…, cho đến khi Cụ Bà dọn cơm ra.

Trước khi ra về, tôi xin phép Cụ cho được in bài thơ “cám ơn” vào tập “Lời Ru Của Mẹ”, Cụ cười bảo :
- Bài thơ tôi viết tặng anh, vậy anh muốn làm gì thì làm.

Cụ trao lại tập bản thảo có kẹp tờ giấy với những dòng thơ Cụ đã viết.
Bài “Cám Ơn” của Hà Chưỡng Môn được in trang trọng trong những trang đầu, như những dòng “Cảm đề” cho tập thơ tôi, là món quà tinh thần quý giá mà tôi rắt hân hạnh nhận được từ một Lão Thi Sĩ, một trong số ít ỏi những bậc Thầy cùa làng thơ Việt Nam mà tôi đã yêu kính, ngưỡng mộ,

Cẩm An Sơn