Thứ Ba, 3 tháng 6, 2008

Tấm Thẻ Bài

Truyện ngắn Cẩm An Sơn

1 -
Buông chiếc thừng dài cột trên mũi con bò, thằng Lượm đuổi theo con cào cào mỡ vừa bay dọc theo bờ cỏ. Con chim chìa vôi nhỏ trên vai, theo đà chạy của thằng Lượm, cũng xoè cánh bay là là xuống trên ngọn lúa. Chụp được chú cào cào màu xanh, thằng Lượm quay lại bắt con chìa vôi lên, con chim há chiếc mỏ rộng, kêu choét choét, nó ngắt cặp chân cứng của con cào cào rồi đút vào miệng chim. Chú chìa vôi rướn cái cổ trắng lên nuốt mồi, im lặng không kêu nữa.
Lượm đặt lại con chim đậu trên vai, nhặt dây thừng, dắt chú bò đực màu đỏ đậm, đi dọc chầm chậm theo bờ ruộng xanh mướt cỏ. Nó huýt sáo nho nhỏ trong miệng. Mới có hơn một tuần mà con chim lớn thấy rõ. Lúc mới lôi nó ra từ trong bọâng cây khế sau nhà, con chim gần như chưa mọc lông, chỉ có nhứng chiếc lông cào trơ trụi, thế mà hôm nay nó đã có thể xoè cánh bay được một đọan ngắn.
Ngẫng đầu lên nhìn trời, tuy mặt trời phía núi còn cao, nhưng những tãng mây lớn đang đùn lên dần che khuất ánh nắng, Lượm nghĩ trong lòng, chắc tối nay thế nào cũng có mưa. Nó lại cúi xuống bắt thêm cào cào, xỏ xâu vào cái cộng cỏ, phần này nó sẽ giao cho mẹ, để sáng mai mẹ nó cho chim ăn trong lúc nó đi học.Lượm học buổi sáng, buổi chiều đi chăn bò, con bò đực duy nhất mà ba nó đã mua cách đây vài ba năm. Mới tám tuổi mà Lượm cao hơn nhiều đứa trẻ trong xóm, nó ốm lòng ngòng nhưng việc gì cũng nhanh nhẹn mau mắn. Đáng lẽ nó đã học lớp ba, nhưng mấy năm rồi ba nó đau ốm liên miên, không cày cấy gì được, nó phải ở nhà phụ với mẹ trồng khoai, tỉa đậu, chăn bò và dắt bò cày trả công cho bà con chung quanh.
Năm nay Lượm học lớp hai, ngày nào vào trường cũng bị bọn thằng Quả xóm trên chế diễu, chọc ghẹo, nó cũng ức lắm, nhưng thường nhớ tới lời mẹ dặn “đừng bao giờ gây gổ với ai, mà phải gắng học cho thật giỏi”. Bởi thế nên nó nhịn nhục hết. Thằng Lâm, thằng Quả thường gọi nó là “cu Lượm” rồi chúng còn hát oang oang lên rằng “cu Lượm là lượm ngoài đàng, mẹ Lượm chửa hoang bỏ con trốn mất” Chẳng hiểu ai bày biểu cho chúng nói thế, lúc đầu nghe qua Lượm chẳng thèm để ý, nhưng nói mãi thét rồi cũng khiến nó suy nghĩ, không lẽ mẹ nó lượm nó ngoài đường đem về nuôi?, nó tự hỏi như thế. Đã có lúc nó định về hỏi mẹ xem thử mấy đứa ấy nói có đúng không?, nhưng rồi nó lại sợ mẹ nó buồn.
Một bữa trong lúc mẹ nó đang giảng giải thêm bài toán cho nó, nó hỏi :
- Mẹ thấy con giống ba hay giống mẹ hả mẹ?
Mẹ nó ngạc nhiên, cốc nhẹ trên đầu nó một cái rồi bảo ;
- Con không giống ba giống mẹ thì giống ai.
Lượm muốn đem mấy câu vè mà bọn thằng Lâm hay nói xấu nó, kể lại cho mẹ nghe, nhưng rồi nó kịp nghĩ lại, xá gì ba chuyện bậy bạ ấy, rồi nó bỏ qua luôn. Lượm thương ba lắm, cả mẹ nó cũng vậy. Lúc nào ba mẹ cũng dành miếng ngon, miếng nhiều cho nó, mỗi lần nó đau ốm mẹ nó gần như thức cả đêm ngôì quạt cho nó đỡ nóng. Khi đi học, hoặc chăn bò về trễ là ba mẹ nó lại đi tìm, Lượm nghĩ có lẽ bọn bạn bè ganh ghét nên tìm cách đặt điều nói xấu nó mà thôi.
Vào học đến lớp 5, Lượm là một học sinh xuất sắc, nhờ ở sự chăm chỉ và còn được ba mẹ dạy dỗ thêm ở nhà. Để có tiền mua sách vở, Lượm tranh thủ bán các thứ lặt vặt ở nhà ga vào những lúc tàu chợ ghé lại. Với tài nhanh nhẹn, xoay xở bán các món vật dụng mà hành khách thường có nhu cầu, nó còn kiếm thêm được tiền may quần áo, còn thêm tiền chợ cho mẹ. Nó dành dụm mua một chiếc xe đạp cũ rồi vào tận ga Diêu Trì bán thuốc lá. Mấy năm nay ba nó bị đau ốm luôn, những vết thương cũ hồi chiến tranh lại phát sinh những biến chứng, hành hạ làm cho ông già sụm đi. Gặp thời buổi khó khăn, thuốc men khan hiếm nên ông Vinh – ba của Lượm – bệnh mỗi ngày càng nặng thêm. Lượm cũng nghe nguời ta mách bảo nhiều thứ thuốc, nó mua về cho cha uống nhưng chẳng có kết quả gì.
Một hôm, sau khi tàu đã rời ga, Lượm mang
thùng thuốc lá đạp xe về nhà, lúc ấy cũng khoảng nửa đêm, vừa đến cửa nó nghe tiếng mẹ nó khóc. Lượm vội dựng chiếc xe vào trong vách rồi chạy vào. Trên chiếc gìừơng tre Ba nó nằm bất động, dường như đã chết, ở phía đuôi giường mẹ nó đang sụt sịt khóc. Lượm vội chạy lại quỳ xuống, ôm lấy cánh tay cha, nó nghe tay vẫn còn ấm.

 Vừa lúc ấy ông Vinh bỗng mở mắt ra, đôi mắt đã lờ đờ, giọng ông thều thào :
- Mẹ vớiï con đừng buồn, ai rồi cũng phải chết thôi.. Chị Vinh nghẹn ngào :
- Anh.., anh đừng .. Giọng ông Vinh Bỗng tỉnh táo hơn :
- Em đưa cái đó cho anh..
Lượm thấy mẹ nó móc từ trong túi ra một miếng gì trắng sáng lấp lánh dưới ánh đèn dầu, giống như miếng tôn sáng, lại lòng thòng một cái dây cũng lấp lánh sáng, đưa cho ba nó. Oâng Vinh quơ bàn tay khẳng khiu ra cầm lấy, run run. Giọng ông chậm rải :
- Đây mới là cha ruột của con.
Thằng bé ngơ ngác không hiểu ba nó nói gì, nó quay lại nhìn mẹ, Chị Vinh nói tiếp lời chồng :
- Con à, đó là tấm thẻ bài của lính hồi xưa, chắc là ghi tên cha ruột của con mà mẹ ruột của con đeo vào cổ cho con lúc con còn nhỏ. Ba con lượm được con trên đường chạy loạn năm bảy lăm mới bồng con về cho mẹ nuôi đến bây giờ, con chính là con nuôi của ba mẹ.
Vừa nghe đến đó, thằng Lượm oà lên khóc, nó chụp bàn tay mẹ nó, gịong hổn hển :
- Không, không .. con là con của ba cuả mẹ. Con không biết ai hết, con thương ba mẹ, ba mẹ đừng bỏ con.. tội nghiệp..Con lạy ba mẹ..
 

Nó gục đầu xuống giường khóc. Trên đôi môi tái ngắt của ông Vinh thoáng nở một nụ cười, ông nhắm mắt lại, rùng mình một cái rồi nằm yên như đang ngủ. Khuôn ngực lép xẹp của ông như dán sát xuống mặt chiếu, không còn chút khua động nào.
 

Sau khi cha Lượm nằm yên trong lòng đất, mẹ nó mới kể hết đầu đuôi câu chuyện xẩy ra đã lâu liên quan đến đời Lượm mà nó chưa hề được nghe nói đến. “Vào khoảng tháng 3 năm 75, ba con hồi đó là lính của chế độ cũ, trong lúc đi tiếp cứu cho số đồng bào chạy loạn từ Pleiku, Buôn ma thuột về ngỏ đèo Mang Giang, thì ba con bị thương bò vào trốn tránh sau một hòn đá lớn bên đường, ba con gặp một bà vợ lính vừa cõng, vừa bồng, vừa đắt ba đứa con còn nhỏ chút, cũng chạy vào núp ở đó. Bà ta cõng con trên lưng bằng tấm ni lông, mệt quá bà ta quỵ xuống, lúc đó con đã ngất xỉu trông như đã chết, bà ta khóc lóc trong khi súng đạn nổ rền trời, ba con cũng sợ ngồi đông chỗ này, quân địch sẽ có thể tìm được thì nguy hiểm, nên ba con thúc giục bà ta bồng đứa nhỏ nhất, dắt con bé chừng năm sáu tuổi chạy trốn đi, để con nằm lại đó ba trông chừng cho. May mắn sau đó ba con được cứu đưa về nhà thương ở Quy Nhơn, thấy con còn ấm, ba chắc rằng con chưa chết nên ba ôm theo về bệnh viện, sau đó ba đem con về cho mẹ nuôi cho đến bây giờ.”
 

Lượm ngồi nghe mẹ kể mà lòng vẫn thương nhớ đến người cha đã mất. Lòng nó bồi hồi không biết cha ruột nó có thương con không và chẳng biết bây giờ ông ấy có còn sống, hay đã chết trong chiến tranh. Riêng đối với người cha đã mang nó về nuôi sao mà thương yêu nó đến như thế. Lượm hồi tưởng lại những tháng ngày ấu thơ mà mẹ và cha nuôi đã chăm sóc nó, từ miếng ăn, giấc ngủ, lúc ốm đau, bao giờ ba mẹ nó cũng ngọt ngào. Mặc dù bị thương chân đi khập khiểng, nhưng vào những đêm văn nghệ trong làng, ba nó vẫn cõng nó đi xem, chân ông mò mẫm trên đường quê tối tăm mà lúc nào ông cũng nói cười, kể chuyện cho Lượm nghe. Dẫu khuya, mẹ nó vẫn chong đèn ngồi đợi cha con trở về.
 

Bây giờ thì nó chỉ còn mẹ, người mẹ hiền đã nuôi nấng dìu dắt, dạy dỗ cho Lượm tùng chữ, từng con số để Lượm trở thành một đứa học trò tuy nghèo, nhưng lúc nào cũng đứng đầu lớp. Nó ngững đầu lên nhìn mẹ qua màn nước mắt, rồi lăn vào lòng bà, ôm bụng bà trong lúc bà cũng khóc. Lượm thì thầm “Mẹ ơi , con chỉ có ba và mẹ thương con, con luôn nhớ ơn ba mẹ”. Nó nhắm mắt lại trong hơi ấm của mẹ và cố tưởng tượng xem hình ảnh người đàn bà mà mẹ nó đã kể, thì ra hồi ấy bà mẹ ruột của nó đã một thân đèo ba đứa con nhỏ chạy trốn bom đạn.Nó thầm hỏi, còn cha ruột nó đâu mà không đi với mẹ, chắc ông ấy cũng là lính mắc lo đi đánh nhau.
 

Chị Vinh vói tay lên đầu giường, lôi tấm thẻ bài ra đưa cho Lượm:
- Con đeo cái này vào cổ và nhớ gìữ gìn đừng làm mất nhe. Chắc rồi sau này cũng có ngày con gặp lại được cha ruột của con.
Lượm buông mẹ ra, đứng dậy cầm tấm thẻ bài mân mê hồi lâu, nó lật qua lật lại đọc hàng chữ lớn Võ trung Văn..và những con số, đây có phải đúng là tên cha ruột
nó hay tên của ai khác? Chị Vinh bảo nó đưa lại cho chị,rồi mở đầu mối sợi dây, kéo vai nó lại, choàng vào cổ cho nó, xong nói :
- Con đứng quay lại mẹ coi thử có đẹp không?
- Đẹp đó mẹ à. Lượm ngượng nghịu.
- Cái dây này sợ không chắc, con phải cẩn thận đừng chạy nhảy nhiều mà làm rớt mất nghe. Ba con nói hồi xưa ba ruột của con là trung úy, đại úy gì đó trong quân đội chế độ cũ.Mấy hôm sau, Lượm tìm một đoạn dây cước đeo phụ thêm vào, nó tự nhủ “còn lâu mới đứt nổi”. Thỉnh thoảng lúc vắng người, Lượm lại kéo tấm thẻ bài lên ngắm nghía, trong lòng nó dâng lên niềm tự hào, cha nó “ngày trước làm sĩ quan chắc oai phong lắm chớ bộ”.

Chồng chết, mẹ con chị Vinh cũng đổi nghề, không đủ sức bám mấy sào đất nữa, Lượm làm lơ xe đò, mẹ nó theo xe buôn bán linh tinh, mua gạo từ Bình Định ra Quảng ngãi bán, mua đường, vịt gà về trong này bán cho hàng quán. Nhiều chuyến cũng khấm khá, nhưng cũng có lúc bị bọn thuế vụ, quản lý thị trường gom sạch cả vốn lẫn lời. Cuối cùng hai mẹ con đành bỏ quê miền Trung tìm về quê ngoại nơi thị xã Bạc Liêu.


2 -
Chiếc đò nhỏ lặng lẽ đi trong đêm tối. Lượm cố nhướng mắt lên nhìn vào khoảng đêm mênh mông để khỏi phải lạc đường về. Qua khỏi ngả ba sông này là nó phải rẻ vào con rạch nhỏ, từ đó lại phải đi vòng qua hai ngả rẻ nữa mới trở ra sông chính về nhà. Con đường lòng vòng này Lượm đã bơi chèo hàng trăm lần trong suốt năm qua, giúp nó có được những khoản tiền kha khá đem về giúp thêm vốn cho mẹ buôn bán.
Thấy người ta lần lượt trốn ra biển tìm đường vượt biên, nhiều lần Lượm cũng muốn đi song mẹ nó chưa có đủ vàng cho hai mẹ con. Chị Vinh thường bảo nó con hãy đi một mình, lớn rồi chứ có nhỏ nhoi gì, con đi ra nước ngoài làm ăn rồi lần hồi mẹ sẽ đi sau, nhưng Lượm cứ ngần ngừ, nghĩ để mẹ ở lại một mình tội nghiệp lắm. Đêm nào chị Vinh cũng thầm thì dỗ dành Lượm : Mẹ bây giờ có được chỗ buôn bán làm ăn đủ sống rồi, con khỏi phải lo lắng, con hãy lo cho tương lai con, tìm cơ hội mà đi.

Thực ra thì Lượm cũng có nhiều dịp đuợc người ta thương đẩy nó lên tàu, nhưng ông Tám Hợp – một chủ ghe trong tổ chức – thường dặn nó : con đừng lo gì, đi một mình qua bển không ai nhận rồi kẹt lại ở đảo cũng khổ, chờ lúc nào bác đi bác sẽ dắt theo. Hồi mới đến nơi đây, Lượm tình cờ gặp Tám Hợp trong chợ. Lão ta đánh rơi cái bóp đựng tiền, Lượm nhặt được đem trả lại, từ đó lão ta tìm đến nhà thăm hỏi và trả ơn bằng một bao gạo 45 kg. Thấy thằng nhỏ sáng sủa, lại thiệt thà, ông Tám cho no ùtheo ghe đi làm nghề. Công việc gì nó cũng xốc vác, nhanh nhẹn nên được ông Tám thương coi như con cái trong nhà.

Ông sắm cho Lượm một chiếc đò nhỏ, tập cho nó bơi, luồn lách trong những đường kinh rạch xa gần, mục đích để nó đưa đón người đến nơi tập kết với ghe lớn. Lượm chẳng mấy chốc thành đứa đệ tử thân tín nhất của Tám Hợp. Cách đây mấy bữa, Tám Hợp giao cho nó bảy người khách vừa từ Sài gòn xuốùng ém tạm trong ấp 2, chờ đến đêm qua mới đưa đi lọt, trước khi lên ghe lớn, mấy người khách góp lại cho nó ba chiếc khâu, Lượm quay đò trở về lâng lâng sung sướng nghĩ đến món quà lớn lao mà nó sẽ tặng cho mẹ, sau một đêm dài mệt nhọc.

Đúng vào tối hôm gia đình ông Tám chuẩn bị ra đi thì công an ùa vào nhà vây bắt. Lượm vừa ăn uống xong, từ giả mẹ ra đến bờ sông thì được tin chuyến đi bị bễ. Quay về nhà lòng buồn rười rượi, mẹ Lượm an ủi :
- Không đi được lần này thì lần khác, đừng buồn con ạ.
Lở chuyến đi, ông Tám Hợp bị bắt nên việc đưa đò của Lượm về đêm cũng chấm dứt, nó xoay sang việc chở hàng nhẹ hàng ngày quanh chợ. Buổi tối nó chèo đò đến nhà ông Tám học thêm Anh ngữ với mấy đứa con của ông ta. Nhờ chạy chọt mất mười mấy cây vàng nên chỉ sau vài mươi ngày ông Tám Hợp được thả về. Oâng ta quay lại cuộc sống bình thường, nhưng mọi công chuyện vượt biên đều phải tạm thời dừng lại. Lượm vẫn hằng đêm đi học thêm, nó học rất nhanh và tiến bộ thấy rõ.
 
Một buổi tối, như thường lệ Lượm cầm tập vở ra bến sông để lấy đò qua ông Tám học thêm. Trăng thượng tuần mờ mờ, Lượm gặp một người đàn bà mặc quần áo đen, bà ta đón nó lại và hỏi :
- Con có phải là Lượm chèo đò không?
- Dạ. Cô tìm con có việc gì vậy?
- Thì có việc cô mới tìm con chớ.
Người đàn bà nắm lấy tay Lượm, nói nhỏ :
- Nghe nói con chèo đò ban đêm rành lắm, con có thể chở gíúp cô một chuyến không?
- Chừng nào vậy cô?
- Thì đêm nay, chớ chừng nào?
- Dạ, vậy cô chờ con một chút, con về nhà cất cuốn vở, nói cho mẹ con biết chừng, rồi con ra liền.
Nói xong, Lượm vội vã quay về nhà. Lúc trở lại bờ sông nó đã thấy người đàn bà đã chờ sẵn ở đó, cùng đi với bà là hai đứa trẻ, môït trai, một gái chừng chín mười tuổi. Trên tay người đàn ba chỉø có chiếc túi xách nhỏ. Lượm thầm nghĩ, ba mẹ con đi đâu đêm khuya tối tăm vầy cà? Nó nhẹ nhàng kéo chiếc đò vào sát cho ba mẹ con bước lên, rồi lặng lẽ chống sào rời bến. Lượm thì thầm :
- Đi ngả nào đây cô? Người đàn bà cũng trả lời vừa đủ nghe :
- Thì con cứ đi như mấy lần trước đó.
Lượm “dạ” một tiếng nhỏ rồi khua mái chèo đi tới. À thì ra ba mẹ con bà này cũng tìm đường ra ghe lớn, mà ai mách cho bã biết mình đi đường này nhiều lần rồi, chắc là cũng bà con thân thuộc gì với ông Tám đây..Những ý nghĩ đó cứ xoay xoay trong đầu thằng Lượm, nó mĩm cười một mình, phen này chắc bã cho cũng được một khâu, chắc mẹ mừng lắm.
Vừa đến một ngã ba quen thuộc chuẩn bị ra sông lớn, bỗng Lựơm nghe tiếng nguời đàn bà gọi nó :
- Con đừng ra sông lớn nghe, cứ theo nhánh tay phải mà tới luôn.
Lượm hơi ngạc nhiên, sao bà này có vẻ rành đường như vậy. Trong ánh sáng mờ mờ của những vì sao, nó thấy người đàn bà sửa soạn chỗ nằm cho hai đứa nhỏ, rũ một tấm màn mỏng đắp cho chúng rồi thong dong đi về phía Lượm, dáng đi vững vàng của một người từng quen thuộc với ghe thuyền. Bà ta nói với Lượm :
- Con chịu khó giúp cô, đoạn đường lần này hơi xa một chút. Ráng lên rồi cô thưởng công xứng đáng cho con.
 

Ròng rã gần bốn tiếng đồøng hồ ôm mái chèo, đôi tay của Lượm đã mỏi lắm rồi. Sương đêm xuống lạnh trên vai áo mỏng, nó ngưng chèo, cúi xuống lòng đò tìm chiếc mủ vải, đội lên đầu. Người đàn bà cũng lấy trong xách tay chai nước bằng mủ đưa cho Lượm :
- Con uống chút nước cho đỡ mệt.
- Cám ơn cô., mấy giờ rồi?
- Gần mười hai giờ. Chắc con phải chèo chừng vài tiếng nữa mới tới nơi.
Lượm thở phào một tiếng, mình đoán cũng không sai mấy chút, ra đi khoảng 8 giờ đến đây là mười hai giờ, chuyến này chắc phải bảy tám giờ sáng mới về tới nhà. Chiếc đò nhỏ lặng lẽ trôi tới phía trước.
 

Theo sự hướng dẫn của người đàn bà, Lượm đưa đò luồn lách dọc theo nhiều con rạch lạ, nó nhẩm đếm những lối rẽ để nhớ đường về. Cuối cùng khi vừa qua ngả rẽ thứ sáu thì nó nhìn thấy chiếc ghe lớn đang buông neo đợi ở đó.Người đàn bà cầm chiếc đèn bấm hướng về phía ghe chớp chớp mấy cái. Trên ghe cũng có ánh đèn trả lời, Lượm từ từ đưa đò cặp nhẹ dọc theo lườn ghe. Một chiếc thang móc được thả xuống, Người đàn bà nắm lấy tay Lượm lắc lắc nhẹ : “cám ơn con”. Trong bóng tối, bà đưa cho nó chiếc khâu và một bọc giấy “còn hơn trăm ngàn đây, cô cho con luôn”.. Lượm đeo chiếc khâu vào ngón tay cái, cầm bọc giấy nhét xuống miếng ván dưới chân rồi giúp người đàn bà đỡ hai đứa nhỏ lên ghe lớn, bà ta lên sau cùng.
 

Khi chiếc đò vừa quay mũi tách ra khỏi ghe lớn chừng bốn năm thước, bỗng Lượm nghe tiếng “ùm” vang lên, nó quay nhìn lại thấy nuớc sông văng toé lên như có vật gì vừa từ trên ghe rơi xuống. Có tiếng la hốt hoảng : “thằng nhỏ rớt xuống nước rồi” Rồi một bóng người lớn phóng xuống sông. Lựơm quay đò lại đảo một vòng gần thuyền nhưng chẳng thấy gì., Nó vòng xa ra một chút và thoáng thấy có cái bóng đen động đậy trên mặt nước, Lượm buông mái chèo nhào xuống bơi vê phía đó. Đúng là thằng bé đang vùng vẫy vì ngộp nước. Lượm bơi sát đến bên thằng bé vòng tay kẹp hông nó, nhưng nó vùng vẩy mạnh quá nên chỉ một thoáng là nó chìm lĩm không còn nhìn thấy nữa. Lượm hoảng hốt hụp xuống.
Nước sông đục ngầu và mặn chát. Lượm nín hơi cút sâu xuống, vừa lúc tay nó quơ phải chân thằng bé, nó chụp giữ bằng hai tay rồi cố trồi đầu lên. Hai chân thằng bé lại quẩy mạnh, Lượm lại hụp xuống chui đầu bào bụng thằng bé, dùng vai đẩy nó lên mặt nước, nhưng Lượm cũng đã hết hơi, nó há miệng uống một búng nứớc rồi rán gào to “Ở đây” rồi lại hụp xuống, hai tay vẫn còn nắm chặt chân đứa bé. Rồi nó ngất đi, không còn biết gì nữa.
 
3 -
Trong bữa cơm tối, bà Sáu Miên nói với Tom :
- Mai con nhớ ghé chỗ báo thằng Mõ nhờ đăng lời nhắn tin đi nhe con.
- Biết nhắn sao đây dì.?
- Ừ thì nhắn là tìm thân nhân, con cứ nhờ họ viết cho là muốn tìm ông..gì gì đó, trứớc là Sĩ quan quân đội VNCH, ai biết tin xin vui lòng liên lạc điện thoại số nhà mình đây nè.. À mà dám tìm được lắm đó. Độ rày mấy ông sĩ quan chế độ cũ được đi định cư ở Mỹ nhiều lắm, chắc ba mày còn sống cũng đi cải tạo rồi cũng đi Mỹ như ai chớ. Hy vọng lắm đó nhe.
Tom là cái tên mới của Lượm được bà Sáu Miên đặt cho, hồi còn ở bên đảo. Bà ấy bảo cái tên gì mà kỳ cục vậy cà? Lượm với lặt không bằng, đặt tên Tom cho nó giống tiếng Anh tiếng Mỹ chớ.

Đêm hôm đó, khi ở đò qua ghe lớn, thằng Hiếu buồn ngủ nên quờ quạng rớt xuống sông, nhờ Lượm kéo giữ được nên mấy người trên ghe mới vớt cả hai đứa lên. Bà Sáu Miên biết ơn thằng Lượm, khen nó nhỏ mà can đảm, có tình, nên đem nó vượt biên rồi khai làm con, nhờ ông Sáu ở Mỹ lãnh qua luôn. Chị em con Hoà thằng Hiếu cũng thương nó lắm. Hơn ba năm nay, ban ngày Tom đi làm cỏ với ông Sáu, ban đêmù học ESL, năm nay thì nó đủ sức vào college rồi. Được sung sướng đầy dủ, Tom lớn phổng lên như một chàng thanh niên. Nó đãù dành dụm được mấy trăm gởi về cho mẹ. Tuy sống chung với gia đình bà Sáu cũng vui vẻ đầm ấm, nhưng Tom vẫn luôn nhớ tới chị Vinh, người mẹ đã nuôi nó khôn lớn, thương yêu đùm bọc nó. Tom nhớ đến người cha đã chết, và còn người cha chưa biết mặt, chỉ có tên trên tấm thẻ bài.

Bà Sáu Miên thì nghĩ tội nghiệp thằng nhỏ, nghe nó kể lại đoạn đời với bao nhiêu khổ đau, bà thực lòng thương xót, muốn để nó làm anh hai đứa con của bà, nhưng rồi lại nghĩ biết đâu nó lại tìm được tình thương ruôït thịt thì sung sướng biết bao. Bởi thế bà khuyên Tom đi đăng báo. Buổi chiều mới hơn ba giờ, còn hai khoảnh sân chưa cắt cỏ, ông Sáu đã nhắc Tom :
- Còn có miếng nhỏ nhỏ này, mày để tao cắt cho, lái xe lên toà báo đăng nhắn nhủ gì đó cho rồi, chớ không tối về mẹ mày rầy nghe con.

Tom rờ tay lên tấm thẻ bài trên cổ, rồi lái xe đi. Phải mất gần nửa tiếng đồng hồ sau Tom mới rời khỏi toà báo thằng Mõ. Trở ra xe mở cửa, mới ngồi vào ghế chưa kịp đóng cánh cửa lại, thì ầm một cái, một chiếc xe từ phía sau lủi tới tông vào đít xe truck, Tom bật văng ra ngoài. Có tiếng gọi lớn của một chị đàn bà người Việt :
- Anh Phong, có thằng nhỏ bị tai nạn kia kìa.
- Ở đâu, .. ở đâu?
- Đó, đó chỗ chiếc xe truck kìa.

Người đàn ông tên Phong từ trong căn phố cạnh tòa báo thằng Mõ chạy vội ra. Đám đông cũng xúm lại. Phong cúi xuống định bế xốc Tom lên, nhưng một người Mỹ hét lên :
- Don’t touch him. Call 9ll.

Người đàn bà, có lẽ là vợ Phong chạy vội đến hộp phone công cộng, gọi cảnh sát. Phong vừa nhìn thấy bên cạnh chỗ nằm của chàng trai bị tai nạn có miếng nhôm trông giống chiếc thẻ bài. Trong một thoáng, ánh chớp trực giác của người lính vụt đến, Phong cúi xuống nhặt rồi đưa lên nhìn, lẩm nhẩm đọc : Võ Trung Văn, số quân… “Uûa, sao..sao”.. Anh tự hỏi thầm như thế và lại cúi xuống nhìn chàng trai, “Á à, thằng này chắc là con trai của Văn, nhưng sao lại ở đây? Lại bị tai nạn như thế này?” Những câu hỏi cùng sự ngạc nhiên khiến Phong như sững sờ mất mấy phút.

Hai chiếc xe cảnh sát cùng xe cứu thương cũng vừa tới. Phong nói với vợ :
- Em lái xe vào bệnh viện với nó nghe, có lẽ nó là đứa con trai của Văn đó. Chắc nó bị ngất, chứ không đến nỗi nào đâu. Khi nó tỉnh lại, em nhớ gọi phone cho anh biết để anh báo cho vợ chồng Văn.
- Con của anh Văn? Sao lạ kỳ vậy?

Phong đưa tấm thẻ bài với đoạn dây đeo bị đứt dở cho vợ xem, thì ra thằng bé tên Minh ngày xưa, vẫn còn giữ được tấm thẻ bài của người cha, mà nó chưa hề biết mặt. Vợ Phong lên xe chạy theo chiếc xe cấp cứu. Phong lửng thửng ra đón xe buýt về nhà, trên tay anh chiếc thẻ bài còn đó, anh ngắm nghía những dòng chữ và bâng khuâng nghĩ đến những sự tình cờ kỳ diệu trong đời người.

CẨM AN SƠN

Không có nhận xét nào: