Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2007

MỘT CHÚT KỶ NIỆM

Truyện ngắn CẨM AN SƠN

Tết Nguyên đán nhằm vào Thứ Sáu, nên Hội Chợ Tết tại địa phương tổ chức vui chơi liền trong ba ngày. Lẽ ra, Thuyên phải đi làm luôn cả ngày Thứ bảy, chủ nhật vì hàng rất nhiều, nhưng viên Giám Đốc người Mỹ hiểu tâm lý người Á châu, nên tuyên bố cho tự do, ai muốn nghỉ trong mấy ngày đó thì nghỉ, không bắt buộc phải đi làm. Với những người có gia đình, thì đây là lúc đoàn tụ, vui với cái Tết cổ truyền của Dân tộc, cũng mua bánh trái, thịt thà và tổ chức đón giao thừa, có nhà còn đốt pháo để tưỡng nhớ đến quê xưa. Với Thuyên cũng nhân cơ hội này nghỉ xả hơi vài ngày cho thoải mái, vì công việc của anh suốt năm qua luôn bù đầu bù cổ, không có được một ngày nghỉ. Làm over-time luôn thì cái check nào cũng nặng, nhìn con số cảm thấy vui trong bụng, nhưng buổi sáng khi nghe tiếng đồng hồ báo thức lại mệt mỏi quá, chẳng muốn ngồi dậy.

 
Sáng nay mặc dù không để alarm, nhưng cái đồng hồ sinh học trong Thuyên cũng đã đánh thức anh lúc hơn bốn giờ. Tự nhiên giật mình thức giấc, nhìn đồng hồ chỉ 4 giờ 18 phút, anh chợt nhớ hôm nay mình được nghỉ. Khoan khoái, Thuyên duỗi chân tay, trở người nằm ngửa, hít một hơi dài rồi nhắm mắt lại, tìm giấc ngủ tiếp. Phải mất khoảng vài chục phút sau anh mới ngủ lại được, nhưng giấc ngủ không sâu, mà cứ chập chờn, lơ mơ, nửa mê, nửa tĩnh.

Thuyên lái xe ghé quán cà phê Dạ Thảo. Quán đầy người, phần đông là lớp trẻ. Tìm quanh quẩn mới có được chiếc ghế trống, ngồi chung với ba người lớn tuổi. Chiếc bàn được kê ngoài hiên, dễ dàng cho việc hút thuốc. Dễ chừng có hơn năm rồi Thuyên mới ghé quán cà phê, thường ngày anh uống vào sáng sớm và giờ break ở chỗ làm. Cà phê Mỹ nhạt hơn ở các quán Việt Nam. Tiếng nhạc ồn ào lẫn với tiếng nói chuyện, cùng khói thuốc làm Thuyên cảm thấy hơi nhức đầu. Anh nghĩ, phải tìm một không khí khác, và anh chợt nhơ’ đến họâi chợ Tết.

Mới khoảng nửa buổi mà nắng đã mạnh. Bầu trời trong veo chẳng có chút gợn mây, Thuyên nhớ đến những cái Tết ở quê nhà. Suốt mấy chục năm, mỗi cái Tết là mỗi cái kỷ niệm, bàng bạc trong lòng Thuyên với những niềm vui, những chuyện buồn như ăn sâu vào tâm hồn, để rồi thỉnh thoảng như một cuốn phim từng lúc mở lại những hình ảnh thật rõ nét, khiến anh bồi hồi. Có tiếng một người con gái :
- Phía trong kia còn một chỗ trống kìa, chú vào đó đi.
Thuyên nhận ra tiếng Mai, cô bé cùng làm trong line. Anh đưa xe vào parking,
rồi bước xuống đất. Mai mặc quần jean với chiếc áo ngắn tay màu xanh. Nàng hỏi :
- Không có cô đi chơi xuân với chú sao?
Thuyên cười :
- Cô mắc bận đi làm
- Vậy thì.. Mai đi với chú nhe.

Thuyên chợt cảm thấy một chút vui, pha lẫn chút buồn trong lòng. Làm việc chung với nhau, Thuyên biết Mai tuy đã ba mươi sáu tuổi nhưng vẫn sống độc thân. Từ sau ngày chồng Mai chết trên biển trong chuyến ghe vượt biên đã sáu năm, Mai vẫn âm thầm sống một mình. Mai cũng hiểu Thuyên, một trung úy biệt động quân bị bắt đi cải tạo, hơn năm năm sau được thả về thì người vợ chưa cưới đã lấy chồng cán bộ, anh canh me theo ghe vượt biên từ Cà mau. Bạn bè thường ghép hai người với nhau, đòi ăm đám cưới, cả hai cũng có cảm tình nhưng vẫn cứ lửng lửng lơ lơ, chưa chịu bước tới. Thuyên thì cảm thấy mình già, năm mươi mốt tuổi rồi còn gì, so với Mai anh thấy tuổi tác hai người quá chênh lệch, nên vẫn thường tự ti mặc cảm.

Vừa vào trong hội chợ, hai người gặp rất nhiều bạn cùng hảng. Thế là Mai đi theo đám bạn gái, còn Thuyên bị mấy người bạn lớn tuổi kéo đi hướng khác.
Hội chợ năm nay được tổ chức trong khuôn viên một trường College. Khung cảnh nơi đây thật đẹp, vị trí ngôi trường nằm giữa trung tâm một lòng chảo, như một thung lũng nhỏ, chung quanh là những ngọn đồi thấp với hàng ngàn căn nhà xinh xắn phơi mình dưới ánh nắng. Những hàng cây xanh, những đường lộ uốn vòng vèo giống như một bức tranh. Những giảy xe đậu thứ tự trong những bãi parking rộng lớn với đủ các màu sắc, rực rỡ. Càng về trưa ngừơi đi chơi càng đông. Những túp lều vải là những gian hàng dựng theo những hàng dài theo lối đi. Nơi này bán đồ ăn, nơi kia trình bày, triển lãm những hình ảnh hoạt độâng cộng đồng, những gian vui chơi dành cho trẻ em. Trong hội trường gần đó, chương trình văn nghệ, ca nhạc dường như đã bắt đầu. Tiếng ca tiếng hát bên trong vọng ra, cộng với tiếng hát từ khắp các nơi cùng cất lên, ồn ào. Thuyên có cảm tưởng như đang dạo chơi trong mùa xuân nơi quê nhà.

Ba người bạn rủ anh đi xem ca nhạc, Thuyên từ chối. Anh lang thang dạo chơi quanh quẩn, xem khắp một vòng, cuối cùng ghé vào gian hàng lô tô ngồi nghỉ chân. Tiếng rao lô tô vọng ra trong máy, với những câu hát, nhũng câu hò dí dỏm làm Thuyên cũng vui lây, anh móc bóp lấy hai mươi đồng mua một vé, và ngồi đợi. Xuất xổ vừa rồi với lô trúng với khá nhiều đồ lỉnh kỉnh, một đầu máy video, một microway và một lố đồ nhà bếp. Lô sắp tới chỉ là một chiếc TV 32 inches trị giá khoảng bảy tám trăm gì đó. Thuyên chờ đâu khoảng một lúc thì tiếng hô cũng bắt đầu cất lên, thật rộn ràng. Anh lơ đảng ngồi nghe, có cô bé học trò khoảng chín mười tuổi đứng cạnh nhìn vào tấm vé và nhắc anh ;
- Chú dò đi chớ, Ba số rồi đó..

Thuyên cúi xuống nhìn tấm vé. Cô bé đã bỏ vào ô số đã xổ mấy vỏ hạt dưa đỏ, có năm con số đã gọi và cũng đã có được 4 con số cùng nằm trên một đường thẳng. Cô bé đọc lên nho nhỏ :
- Ba muơi sáu, ba mươi sáu….
Tiếng hô ra rả của người thanh niên cầm micro
:” đường đi qua thác qua ghềnh. Em đi một mình sao chẳng chờ ta… là con số ba …- tiếng hô chậm lại rồi kéo dài ra..là ba mươi….ba” Cô bé lại ồ lên một tiếng :
- Chút xíu nữa, hụt rồi chú ơi.
Thuyên cũng nghe lòng mình vừa vui, vừa hồi hộp theo cô bé..
“ Dầu cho khốn khổ, khó nhọc mặc lòng, bỏ kiếp long đong…. Bỏ kiếp long đong.. ta về đây nương náu.. là con..là con ba mươi ..sáu”
Con bé nhảy hẩng lên la to ; ba sáu, đúng rồi đúng rồi..
Mọi người đều quay đầu nhìn về phía Thuyên và đứa bé. Nhưng ở phía đầu bên kia cũng có hai đứa bé khác la lớn : “ Đây mới trúng thiệt nè” . Thuyên đứng lên, anh cầm tấm vé đi về phía quầy hàng đưa cho người chủ kiểm lại. Người thanh niên lần lượt dò lại từng số và nói “tấm vé anh đúng rồi đó”. Hai đứa bé khi nảy cũng bươn bả đem tấm vé lên đưa cho anh thanh niên. Sau khi kiểm lại, anh tuyên bố :
- Cả hai vé đều đủ cả năm số, một tấm ở hàng ngang và một tấm ở hàng dọc.
- Vậy là mấy chú cháu mình cùng trúng cái TV rồi,


Thuyên cười vui nói với hai đứa bé. Hai đứa bé, một trai, một gái khoảng mười bốn mười lăm tuổi, ngẫng lên nhìn anh hơi ngạc nhiên :
- Hai người cùng trúng, làm sao bây giờ chú ?
- Thì chú cháu mình khiêng ra ngoài kia rồi mượn cái dao cắt làm đôi, mỗi bên một nửa chớ khó chi.
Hai đúa bé cùng cười vì biết anh nói đùa.
Đứa bé gái nói với Thuyên :
- Chú chờ cho cháu một chút, cháu đi gọi anh cháu.
Thuyên nói với người chủ quày hàng gởi lại chiếc máy, lát nữa sẽ nhận, rồi anh quay lại với hai đứa trẻ :
- Bây giờ chú cháu mình ra ngoài kia kiếm cái gì ăn mừng đi. Trưa rồi, đói bụng quá trời.
Thấy hai đứa bé ngần ngừ, anh baỏ :
- Yên trí đi, chú bao mà.Thuyên dẩn hai đứa bé quay ra tìm cô bé đứng cạnh anh lúc trước. Con bé đứng với một người đàn bà còn trẻ, có lẽ là người mẹ, ánh mắt tươi vui.
Anh cầm tay nó và nói với chị :
- Xin phép chị cho cháu đi ăn mừng với chúng tôi nhé. Nhờ cái hên của cháu mới trúng đó. Người mẹ cười :
- Con đi với chú đi, lát nữa rồi trở lại đây, mẹ chờ.

Bốn người đến gian hàng mỳ Quảng, Thuyên hỏi :
- Các cháu tên gì?
- Cháu là Tiffany, con bé nhỏ nhất nói.
- Cháu là Vân, em trai cháu tên Việt.
- Thế bây giờ các cháu có đồng ý ăn mỳ Quảng không ?
- Đồng ý..thích lắm.. cả ba cùng trả lời.
Trong lúc mọi người đang ăn thì một cậu thanh niên bước vào,
Vân ngẫng lên :
- Anh Hải, ăn mỳ Quảng với bọn em đi. Chú đây đãi này.
Việt xen vào :
- Anh đi đâu mà lâu vậy, bọn em với chú chơi lô tô trúng cái TV.
- Thật không?
Người thanh niên vừa nói vừa nhìn Thuyên rồi gật đầu chào
- Thưa chú.

Thuyên nói :
- Cháu ăn mỳ luôn nhe. Anh quay vào trong, gọi : cho thêm một tô nữa chị ơi.
Hải nói như phân trần :
- Sáng giờ cháu đi xin tiền cho học sinh nghèo. Bọn cháu có bốn đứa sinh viên đồng hương xứ Quảng định kiếm tiền gởi về quê gíup làm học bỗng cho học sinh nghèo mấy huyện miền núi.
- Hay, ý kiến hay lắm. Thuyên khen.
- Tội lắm chú à. Năm rồi cháu có về quê Hiệp Đức cháu thấy thê thảm lắm..
Đang nói bỗng Hải ngừng lại, nhìn chăm chăm vào mặt Thuyên :
- Cháu xin lỗi, chú có phải chú Thuyên không? hồi xưa chú có đi cải tạo tại trại Na-Sơn phải không ?
Thuyên như giật mình ngừng ăn nhìn Hải, sửng sốt :
- Cháu…, cháu là ai mà biết chú. Chú là chú Thuyên đây, sao..sao cháu gặp chú ở đâu mà biết rõ vậy ?
- Đúng rồi, chú không nhớ cháu là phải. Mười mấy năm rồi còn gì…

Người thanh niên trầm ngâm như hồi tưởng. Cả ba đứa bé nghe Hải nói thế cũng ngạc nhiên ngừng ăn, ngẫng lên, chờ đợi.
Giọng Hải thấp xuống :
- Hồi đó lúc cải tạo, chú thường đi cắt tranh cho trại gần nhà cháu. Mẹ cháu bảo cháu đem khoai đem sắn tiếp tế cho chú ăn thêm. Sau đó chú làm quen với mẹ cháu, một thời gian trại biết được nên phạt kỷ luật chú. Nghe nói chú bị cùm kẹp cả mấy tháng trường…
- À, thì ra cháu là con của bà Hằng. Hồi đó cháu mới có bảy tám tuổi, ốm nhom ốm nhách, bây giờ cháu cao lớn như thế này làm sao chú còn nhận ra được. Vậy mẹ cháu có khoẻ không?
- Dạ, mẹ cháu khoẻ. Hai mẹ con cháu vượt biên rồi qua đây cũng hơn mười năm rồi. Mẹ cháu cũng thường nhắc tới chú luôn, không ngờ chú cháu mình cùng ở chung trong một thành phố mà không biết, không gặp được.
Trong sâu thẳm của tiềm thức, những kỷ niệm vừa đắng cay, vừa ngọt ngào chợt hiện về với Thuyên, như một cuốn phim chậm chạp quay lại. Vào trại chưa được hai năm Thuyên được tin Yến đi lấy chồng, anh chỉ buồn có vài bữa rồi cũng quên đi, cũng chẳng oán trách gì Yến, vì ngay bản thân anh, anh cũng thấy trước mặt mình là một tương lai mịt mờ, chẳng biết có được ngày về. Sống lặng lẽ với những công việc lao động nặng nhọc hàng ngày, Thuyên buông trôi ngày tháng, không than thở, không giao tiếp với ai. Anh được xếp vào loại “con bà xơ”, chẳng ai thăm, ai viếng quà cáp gì. Năm đầu tiên, cha anh có lên thăm anh được hai lần, nhưng nhìn thấy cha già vất vả, gầy yếu phải lội bộ xa mấy chục cây số, anh không đành lòng, nên bảo cha đừng đi nữa. Nhà thì đơn chiếc, mẹ anh mất sớm, cha anh cuốc cày không đủ miếng cơm manh áo, nên anh cứ thỉnh thoảng lại xin được viết thư về trấn an cha già rằng con ở đây cơm ngày ba bữa, không đói khát gì, chỉ mong học tập tốt để sớm được trở về với gia đình.

Nhờ cách sống im lặng, nhẫn nhục, Thuyên được cho ra ngoài lao động lẻ, không có công an đi theo. Anh thường đi đốn tre, cắt tranh về cho trại. Anh phải đi càng lúc càng xa trại, đến những nương vườn có dân hồi cư về sinh sống. Một hôm, sau khi đã cắt và trải tranh ra phơi xong, vừa tìm bóng mát ngồi nghỉ thì gặp một thằng bé mang đến cho mấy khúc sắn nấu. Nó nói mẹ nó bảo đem cho chú ăn kẻo chú đói, tội nghiệp. Đó là lần đầu tiên sau bốn năm đi tù Thuyên đã ứa nước mắt cảm động. Anh nghĩ đời vẫn còn đáng sống, vẫn còn có tình thương thầm lặng giữa con người với nhau.

Sau mấy lần như thế, Thuyên lần tìm vào nhà thằng bé, với ý nghĩ gặp để cám ơn nguời đàn bà tốt bụng. Nhà là một túp lều nhỏ, mái lợp tranh, vách được che bởi những cây sậy ghép lại. Tuy đơn sơ nhưng gọn gàng, cũng có một ngăn làm buồng và một chiếc bàn với mấy cái ghế bằng nhựa, thấp chân. Thuyên bỗng nhớ đến những túp lều với những chiếc bàn con để bán cà phê hoặc thức ăn anh đã nhiều lần nhìn thấy ven những đường lộ.

Từ hôm đó Thuyên quen Hằng. Anh được biết trước kia Hằng là giáo viên tiểu học, nàng dạy ở một ngôi trường trong thị trấn Vĩnh Điện, chồng Hằng là thiếu úy thuộc sư đoàn 2 bộ binh, đã tử trận tại Tiên Phước vào năm 72. Sau ngày cộng sản chiếm miền Nam Hằng bị đuổi việc, không cho dạy nữa, nên nàng mang con về Hiệp Đức làm rẫy sinh sống. Tuy đã ba bốn năm cần cù với nương rẫy, nhưng dáng dấp của Hằng vẫn không phai đi những nét thị thành. Khuôn mặt trái soan, đôi mắt đen lấp lánh như nụ cười tươi nở ra rực rỡ làm Thuyên choáng váng như vừa được uống một ly rượu mạnh. Cả hai người như gặp nhau giữa bờ địa ngục, bỗng thấy ánh sáng mặt trời chiếu rọi đến. Họ lăn xả vào nhau không cần biết đến những điều đang chờ đợi ở phía trước.

Chỉ một tháng sau Thuyên đút chân vào cùm, với mỗi ngày hai hớp cháo lỏng. Tuy thế Thuyên vẫn thấy mãn nguyện. Ngày anh ra tù tìm lại chốn cũ thì hai mẹ con Hằng đã không còn ở đó nữa. Hàng xóm cho anh biết nàng đã đưa con vào miền Nam sinh sống. Thời gian nằm trong nhà cùm, nghe tin Hằng có đến xin thăm anh mấy lần nhưng không được bọn cai tù cho phép. Thuyên cũng từ giả cha già- ông hiện sống với một cô cháu ngoại mười sáu tuổi – lang thang qua mấy tỉnh Nam Bộ, nhưng vẫn không còn gặp lại “người tình trong đáy vực” (anh tự đặt tên như vậy để nhớ về Hằng). Cuối cùng rồi anh cũng vượt thoát được đến bến bờ tự do.

Hai chú cháu hì hục khiêng chiếc TV lên chiếc xe Van của Hải.
Vân hỏi :
- Chở về nhà mình hả anh Hải ?
- Thì đem về nhà mình chớ còn đem đi đâu. Về nhà rồi lấy dao cắt chia hai mình một nửa, chú một nửa.
- Thôi anh đừng có xạo.

Thuyên cười, góp tiếng :
- Hồi nảy chú cũng nói vậy, mà bé Vân, bé Việt không tin.
Thực ra thì Thuyên đã nói với Hải rằng em đem luôn về nhà mà xài, cho mấy đứa nhỏ nó mừng, phần anh cũng có riêng một cái nhỏ, phòng anh thuê chật chội không để TV lớn được. Trong lòng anh vẫn không quên cái ơn của mẹ con Hải trong những ngày anh tù tội, nên cũng nhân dịp này coi như món quà gửi lại cho mẹ con nàng. Lúc lên xe, Thuyên gọi bé Việt sang xe anh, lấy cớ dẩn đường để anh ghé nhà thăm mẹ Hải.

Lúc đã cài xong seat-belt, Việt nói :
- Nhà cháu với anh Hải cùng một sân với nhau
- Ủa, chớ không phải cháu là em ruột của anh Hải sao?
- Đâu có, chị em cháu với anh Hải là bà con sao đó…, mẹ cháu là em mẹ anh Hải. - À ra là chị em bạn dì đó.

“Vậy là hai đứa nhỏ không phải là con Hằng” Thuyên nghĩ thầm. Một chút băn khoăn đến trong lòng anh, không hiểu từ hồi đó rồi Hằng có tiếp nối với ai không? Anh mĩm cười một mình. Thuyên tự hỏi, nếu Hằng vẫn chưa lấy chồng, chuyện tình cuả anh với nàng ngày xưa sẽ như thế nào ? Thời gian và những bầm dập của cuộc đời sau mười mấy năm sống đơn chiếc, dường như tâm tình Thuyên có nguội lạnh đi nhiều. Anh chợt nghĩ đến Mai, chắc cô bé cũng có nhiều lần nghĩ về mình…
Việt lên tiếng nhắc :
- Quẹo trái đi chú, sắp tới nhà rồi.
Thuyên chợt thấy đàng sau một ngôi nhà ai đó bên đường, có phơi một chiếc áo bông màu tím. Màu chiếc áo chợt thoáng qua, nhưng làm anh nhớ lại thật nhanh đến chiếc áo mà Hằng mặc, trong cái buổi chiều đã rất xa, lần đầu tiên anh đã ôm và hôn nàng.

Chiếc xe vẫn chầm chậm quành vào vuông sân nhỏ....

Cali thu Nhâm Ngọ, 02

Cẩm An Sơn

Không có nhận xét nào: