Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2007

PHO TƯỢNG BẰNG ĐẤT NUNG

Truyện ngắn CẨM AN SƠN
 

Sau ba năm đi tù cải tạo, Tuấn được thả về đoàn tụ với gia đình. Trước đó khoảng ba bốn tháng vợ Tuấn lên thăm nuôi có mang theo một tờ giấy cho anh ký tên vào đó, tờ giấy vớI nội dung tình nguyện đi kinh tế mới. Vợ anh nói chính quyền nhận thấy gia dình mình sống ở Thị xã quá khó khăn, không có ruộng đất canh tác, nên nâng đỡ, đề nghị lên cấp trên cứu xét cho anh được về sớm, nếu bằng lòng tình nguyện đi kinh tế mới. Tuấn nhìn tấm thân gầy còm, đen đủi của vợ mà nghe lòng xót xa. Chỉ mớI chưa đầy ba năm mà Mây, vợ anh đã biến đổi một cách ghê gớm, nàng trông già thêm hàng chục tuổi. Đôi mắt trong veo ngày xưa bây giờ trở nên mờ đục trong hai hốc mắt sâu, xương xẩu. Nàng phải vật lộn vớI cuộc sống đầy khó khăn, để nuôi nấng 3 đứa con còn thơ dại. 

Cầm tờ giấy trên tay anh cúi đầu hỏi vợ : Em định thế nào ? Mây đáp nhỏ : tùy anh. Trong một thoáng nghĩ rất nhanh : phải thoát khỏi nơi này trước đã, Tuấn cầm bút ký ngay vào tờ giấy rồi đưa cho vợ. Anh nhìn thấy nước mắt nàng rưng rưng.
 

Về vớI gia đình nơi cái thị xã nhỏ bé này, hàng tuần Tuấn phải lên đồn công an trình diện, làm tờ báo cáo trong tuần, nói rõ trong tuần qua làm gì, có quan hệ vớI người nào không? Và chỉ hai tuần sau thì công an Phường đem giấy tói nhà bảo lo thu xếp đồ đạc để đi kinh tế mới. Căn nhà gạch lợp tôn ngay lộ Trần Dư được bán lại cho một cán bộ huyện vói giá 8 chỉ vàng. Mây trả nợ cho mẹ hai chỉ, hai bà Dì ba chỉ nữa, thế là võn vẹn còn được ba chỉ,. đó là tất cả vốn liếng hai vợ chồng dành dụm suốt mấy năm dài.
 

BởI gia tài nhà Tuấn còn có vàng, nên Phòng kinh tế mới huyện xếp vào loại kinh tế mớI tự chọn, nghĩa là muốn chọn vùng núi rừng xa xôi nào cũng được, miễn là đi ra khỏi caí thị xã này là xong. Vợ chồng Tuấn quyết định vào miệt Đồng Nai, nghe nói ở đó đất rộng, ngườI thưa, có thể sinh sống được.

Thế rồi mọi việc cũng xong. Gia đình Tuấn đã chọn được một nơi cư trú mớI. Một căn nhà nhỏ lợp lá dừa, vách bằng đất sét trộn vớI rơm đắp lên trên tấm sườn bằng cây tầm vông kết lại, trên một khoảnh đất rừng rộng chừng năm sào, được sang chia lại bởi những ngườI đến trước. Nhà và đất xong mất hai chỉ, chỉ vàng còn lại là tiền xe cộ di chuyển, mấy lít gạo, cá khô, muối và những vật dụng linh tinh như cuốc xẻng, dao rựa..
 

Những cơn mưa đầu mùa đổ xuống. Đám cây cối hoang dại đã được thu dọn đốt thành tro, vợ chồng Tuấn hàng ngày đổ mồ hôi quần quật từng liếp đậu, tùng vồng khoai. Mưa nhiều, khoai đậu lên xanh và niềm tin cuộc sống đã trở lại trong lòng người nơi quê hương mới. Đất đỏ bazan đã nhuộm màu áo quần, vật dụng, màu da, biến đổi gia đình Tuấn thành những người ở rừng, lem luốc, tội nghiệp.
 

Ba đứa con Tuấn :thằng Hùng mười tuổi, học lở dở lớp bốn, con Liên tám tuổi lớp hai và thằng Dũng năm tuổi mới tập đánh vần. Ở nơi đây, cái xóm Bàu Nghệ xa xôi này, gần như một thế giới bị bỏ quên, mấy đứa trẻ phải giúp cha mẹ trong việc hàng ngày, trồng khoai, tỉa bắp. Lúc rảnh chúng chơi đùa với nhau trong sân nhà hoặc lang thang ngoài vườn tìm bắt ve, hái nấm. Chờ cho đến mùa nắng, tương đối rảnh rang cha mẹ chúng mớI có thì giờ giúp chúng học tập.

Một ngày mùa thu tạnh ráo, lúc ba đúa trẻ rong chơi sâu vào trong rừng phía sau nhà, bỗng chúng nhìn thấy một cái nền nhà cũ. Caí nền nhà được tráng xi măng nhưng đã bể nát phần lớn nên cây cỏ đã mọc lên rậm rịt., chỉ còn khoảng nhỏ bằng chiếc chiếu giường phủ đầy lá khô. Hùng đã dùng cái liềm nhỏ gạt đám lá khô nên mới thấy cái nền xi măng lộ ra. Mừng rỡ nghĩ rằng từ nay có đuợc một chỗ vui chơi sạch sẽ, Hùng rũ bé Liên dùng cành cây cào sạch đám lá, và chúng có được một khoảnh nền xi măng thật láng. Khoảnh nền nhà được che phủ bởi một bóng cây thật lớn nên râm mát suốt ngày. Hùng với Liên thì vẽ cờ gánh, cờ hổ, chơi ô làng, còn bé Dũng thì lấy than tập viết chữ.

Được mấy ngày thì chán, Hùng rũ Liên đem theo liềm, hai anh em dọn phát cây cỏ trên nền nhà. Phải mất ba bữa công việc mớI xong. Sau khi kéo bỏ sạch cỏ rác ra khỏi nền nhà, Hùng tìm thấy rải rác trong đống vửa vụn những mảnh vở của những lư nhang, chân đèn bằng đất nung, nó nói với Liên :
- Mày biết cái nền nhà này hồi xưa là cái gì không ?
- Không, chắc nhà ai bỏ đi lâu rồi.
- Theo tao, thì cái nhà này chắc là cái miếu, cái chùa gì đây, những đồ thờ cúng bể nát tùm lum đây nè.

Hai anh em lại cắm cúi hốt dọn những thứ linh tinh, đổ ra ngoài. Cuối cùng Hùng lại tìm thấy trong góc trái của nền nhà một pho tượng Phật. Pho tượng bằng đất nung, màu sơn vàng đã bi tróc ra, lộ màu đỏ của đất được nung chín,. Hùng bưng lên, không nặng lắm có lẽ rổng trong ruột. Liên bảo Hùng :
- Anh Hai đoán là chùa chắc đúng, vì có tượng Phật.
 

Pho tượng đất lớn bằng con búp bê, cao chừng vài ba tấc, Hùng ước lượng như thế. Nó quét dọn sạch một chỗ giữa nhà, gần vớI mé sau, nó tưởng tượng nơi này trước kia là cái bàn thờ, đem đặt pho tượng vào đó. Bé Liên thì chạy đi tìm bông, nhưng chẳng có bông gì đẹp cả, nó đành phải bứt một nắm bông cỏ nhỏ màu tim tím đem lại cắm vào một một miếng gạch lổ đã bể còn một khúc ngắn, rồi đặt xuống trước tượng Phật, nó bảo nhỏ :
- Anh Hai lạy Phật đi chớ.
- Tao vớI mày cùng lạy

Hai đứa cùng nhớ lại nhũng lần mẹ chúng dẩn đi chùa lạy Phật rồi được ăn cơm chay của nhà chùa. Chúng quỳ xuống trước pho tượng cung kính lạy, nhìn thấy mặt Hùng có vẻ nghiêm trang như người lớn, bé Liên muốn bật cưòi, nhưng rồi nó cũng rán nín lại, cúi đầu bắt chước anh,.
Buổi tối lúc ăn cơm bé Liên khoe với mẹ ;
- Mẹ à, hai đứa con sáng nay tìm được một ông Phật,
- Ở đâu ?
- Phía rừng sau nhà mình đó.
- Làm gì có Phật ở sau rừng.
- Có tượng ông Phật bằng đất ở trên cái nền nhà, chắc là cái chùa đâu hồi xưa đó mẹ. Giọng Hùng góp vào.
Xong rồi trước sự ngạc nhiên của cha mẹ nó, Hùng đã kể lại đầu đuôi việc chúng tìm thấy nền nhà và tượng Phật. Tuấn nhìn Mây và anh chợt nhận ra trong mắt người vợ rực sáng lên khi nghe hai đứa con kể chuyện. Không nói nhưng cả hai đều nghĩ rằng đây là một điềm lành.

Ngay hôm sau vợ chồng Tuấn theo con ra rừng và sau một hồi quan sát cả hai đều đồng ý với nhau rằng nơi đây trước kia có một ngôi chùa, nhưng do biến cố chién tranh tàn phá nên bây giờ chỉ còn lại cái nền, và pho tượng may mắn còn nguyên vẹn. Câu chuyện cái nền chùa cũ và pho tượng Phật chẳng mấy chốc lan nhanh trong Xóm Nghệ. Bà con ta đây vốn ngườI tứ xứ lưu lạc sau năm 75, đa phần thờ cúng ông bà, nhưng cũng tin tưởng ở đạo Phật, nên khi nghe Tuấn đề nghị làm tạm lại ngôi chùa bằng tre lá, mọi người đều bằng lòng và chỉ sau một tuần một ngôi nhà nhỏ được dựng lên trong khung nền cũ.

Lại gặp đúng vào Rằm tháng Mười, chỗ thờ phượng được hoàn thành với bữa cúng trai đàn đơn giản và mọi người đều vui dự bữa cơm chay do các bà trong Xóm chung lo. Cuộc sống quần quật nhưng riêng lẻ của những người trong xóm bỗng dưng thay đổi từ khi có ngôi chùa. Nhà vợ chồng Tuấn được nhiều ngườI ghé thăm nhân tiện các ngày cúng Rằm, Mồng Một, ngày Vía.., mọi người trở nên gần gũi nhau hơn, thân ái hơn. Tuấn cũng tổ chức tại chùa mấy lớp học cho lũ trẻ. Hai em học trò trung học được giao làm giáo viên. Bàn ghế là những thanh tre ghép lại tuy buổi đầu có nhiều khó khăn, nhưng vớI đám trẻ con lam lủ ở vùng quê cũng dễ dàng thích ứng.

Vài năm sau khi gia đình Tuấn đến làm ăn sinh sống ở cái Xóm Nghệ này cuộc sống của mọi người cũng như anh đều khá lên nhờ mưa thuận gió hoà, khoai bắp đậu đều trúng mùa. Những chiếc xe bò lọc cọc chuyển hàng ra Long Thành, xe đạp thồ thì hầu như nhà nào cũng có được. Con đừơng đất đỏ tuy lầy lội nhưng lại là con đường huýết mạch đưa Xóm Nghệ liên lạc trở về vớI đời sống bên ngoài. Tuấn cũng đã sắm một chiếc xe đạp cũ, chiếc xe nặng nề nhưng chắc chắn. Khung dàn được kẹp thêm hai miếng nẹp tre dài ra đến phía dàn ba-ga ở sau, dùng cho việc thồ dễ dàng hơn. Cứ mỗi một hay hai tuần một lần anh đi Long Thành, lúc thì thồ khoai đậu đi bán, lúc thì chở vợ con ra chợ nhìn lại thế giới văn minh.


Hôm ấy, sau khi bán hết mấy bao bắp cho nhà vựa, Tuấn vòng vào trong chợ mua một ít vật dụng cần thiết, anh ghé hàng bán sơn, mua một lon sơn nhụ màu vàng, anh nghĩ : phải sơn lại pho tượng Phật. Lúc về nhà thấy trời còn sớm, anh cầm lon sơn nhỏ, cây cọ, vài miếng vỏ dừa, đi ra chùa. Một mình, anh bưng pho tượng xuống, đặt trên tấm giấy lót để ở bàn, dùng miếng vỏ dừa cọ sạch lớp sơn cũ, Tuấn chợt nhận ra có vết nứt rạn ở đáy pho tượng. anh đưa móng tay cạo kỷ hơn, bỗng miếng vỏ đáy tượng rơi xuống, trống một khoảng cở hai ngón tay. Phía trong ruột tượng có gùi bọc ny lông dường như ai đã nhét vào đó. Tuấn nhẹ nhàng kéo ra. Giữa mớ bọc mong manh đó anh tìm thấy hai thẻ vàng lá. Màu vàng vẫn sáng ánh lên, trên miếng vàng có khắc dạng hòn núi, có lẽ mỗi miếng 5 chỉ, cộng chung là một lạng, anh nhủ thầm với mình.

Gói hai miếng vàng đút vào túi áo, xong Tuấn ra ngoài tìm chút nhựa cây trám đáy tượng lại, rồi bắt đầu phết nhụ kim lên pho tượng. Loại nhụ kim khô rất nhanh, nên chỉ sau chừng mươi phút pho tượng đã được đặt vào chỗ cũ trên bàn thờ. Tuấn ngắm nhìn pho tượng sáng ánh lên. Anh ra về với nỗi vui lặng lẽ.
 

Tháng mười một, mùa mưa dứt hẳn và mùa nắng bắt đầu. Con đuờng đất vào Xóm Nghệ cũng trở nên khô ráo. Người ta thấy mấy chiếc xe tải nhỏ chở gạch ì ạch chạy vào xóm, bà con trong xóm đồn đoán có lẽ vợ chồng Tuấn xây nhà, vì đống gạch được chất gọn ghẽ truớc nhà anh. Có người hỏi thử, Tuấn cười và trả lời

- Gạch để xây chùa đó.

- Ai xây vậy ?

- Nghe nói có người hảo tâm đâu trên Saigòn bỏ tiền ra xây.

Rồi vài bữa sau có người đàn ông trung niên chở xi măng đến gởi vào nhà Tuấn, ông ta muốn mượn nhân công trong xóm để xây dựng. Tuấn đi gặp xóm giềng báo cho họ biết, vì gặp thời gian rảnh rổi nên nhiều người tình nguyện lo công việc.

Người đàn ông tên Hiệp nói với mọi người :

- Tôi là nhà thầu bán vật liệu, một ông chủ ở Thành phố nhờ tôi giúp xây ngôi chùa trong Xóm của quý vị, vì chuyện công đức mong quý vị giúp cho công việc được hoàn thành viên mãn.

Hơn tháng sau công việc xây dựng chùa hoàn tất trên cái nền chùa cũ, bà con góp công làm tiếp ngôi nhà tre lá bên cạnh, để cho trẻ em tiếp tục việc học hành. Ngôi chùa mới được lợp bằng tôn, tường vách xây tô sơn phết đẹp đẽ. Những gian bàn thờ cùng những vật dụng chuông mõ cũng được ông Hiệp thỉnh về. Đúng rằm tháng Chạp, bà con trong xóm tề tựu tại Chùa để dự lễ khánh thành duới sự chứng minh của hai vị sư đến từ chùa Thường Chiếu.

Sau phần nghi lễ, ông Hiệp xin phép trình bày :

- Ngôi chùa này nguyên trước đây bị tàn phá bởi chiến tranh, bây giờ được phục vị nhờ ơn Đức Phật độ trì gia hộ, thêm công đức của một vị ân nhân ẩn danh. Vị này đem đến giao cho tôi một cây vàng và nhờ tôi xây dựng lại ngôi chùa.với sự đóng góp công sức của bà con tại đây, công việc đã xong, sau khi tính toán với những chi phí tối thiểu, số tiền của vị ân nhân giao cho tôi nay còn lại được gần ba chục ngàn đồng, tôi xin gởi lại ở thùng Phước Sương để cho chùa lo nhang khói..

Tiếng vổ tay rào rào và mọi người không hẹn cùng nhìn nhau, cảm động.
Tuấn quay lại vừa gặp ánh mắt vợ, Mây nhìn anh mỉm cười thật tươi.

Cali mùa Vu Lan 2001


Cẩm An Sơn

Không có nhận xét nào: